Số lượng lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam đang dần tăng lên, với số lượng hiện khoảng 22.000 người, trong đó lưu học sinh diện hiệp định gần 4000 người.
Mang cho mình một góc nhìn khác
Trải nghiệm sống ở nước ngoài sẽ cho ta góc nhìn khác về hầu như mọi mặt của cuộc sống. Và điều này giúp mở mang kiến thức, tư duy, và sức sáng tạo lên rất nhiều. Con người thường có xu hướng chịu ảnh hưởng bởi môi trường sống, khiến ta tin vào những điều mà số đông cũng tin tưởng, và hành xử theo cách mà mọi người quanh ta vẫn làm. Nhưng khi tách ra khỏi môi trường quen thuộc này, ta sẽ bỗng nhiên trở thành “người ngoài” và như mọi người vẫn nói, người ngoài cuộc thì thường có cái nhìn sáng tỏ, đa chiều, hiểu biết hơn những người trong cuộc. Sống ở nước ngoài lâu dài, ta sẽ dần phát triển góc nhìn khác biệt hơn, khách quan nhưng cũng cá nhân hơn, bớt đi tính rập khuôn, a dua, “bầy đàn” thường thấy.
Đó là lý do tại sao mà nhiều vlogger, blogger, hay influencer – những người tạo ảnh hưởng lớn cho giới trẻ hiện nay là du học sinh hoặc có xuất phát điểm là du học sinh. Cuộc sống ở nước ngoài dễ cho các bạn cái nhìn khác đi về những sự việc, hoàn cảnh xảy ra ở trong nước, tạo cảm hứng cho các bạn dám nói ra những điều khác biệt, làm những điều mà có thể nếu còn ở trong nước bạn chưa chắc đã dám làm. Bởi được chứng kiến nhiều điều mới mẻ hàng ngày, chất liệu sống của các bạn cũng giàu có hơn và bạn muốn được làm nhiều hơn cho đam mê, sáng tạo của mình. Đây là điều rất khó để có được nếu không tách rời hẳn môi trường quen thuộc và bắt đầu trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài.
Giỏi tìm kiếm thông tin và không ngại đặt câu hỏi
Khi bắt đầu sống ở một nơi mới lạ, sẽ có rất nhiều điều ta không biết và nếu không chủ động tự tìm kiếm hoặc hỏi người khác giúp đỡ, ta chắc chắn sẽ gặp nhiều thiệt thòi. Những thông tin cần thiết là vô vàn, từ những thứ tưởng như đơn giản, nhỏ bé như cách đọc số nhà, tìm đường đến siêu thị, cách gửi một bức thư… đến những thứ phức tạp, quan trọng hơn như thủ tục làm visa, cách khai thuế, lập tài khoản ngân hàng, chuyển tiền quốc tế… Thông tin càng quan trọng thì lại càng cần phải tìm kiếm, nghiên cứu, hỏi han kỹ lưỡng để tránh vi phạm pháp luật, mất tiền oan, và thậm chí, bị kẻ xấu lừa và lợi dụng.
Bởi thế, những người từng sống ở nước ngoài thường là những người giỏi tìm kiếm thông tin và mạnh dạn đặt câu hỏi nhất mà tôi từng biết. Họ thường rất chủ động tìm kiếm đối tượng để hỏi thông tin; nhưng trước khi làm phiền những người này, họ cẩn thận tra cứu trước trên mạng, ghi chép cụ thể các câu hỏi mà internet không thể trả lời, rồi sau đó mới tiếp cận người để hỏi một cách lịch sự và cầu thị. Đây là một kỹ năng rất quan trọng mà bất cứ ai, đặc biệt là những người trẻ còn non hiểu biết, cần phải nắm vững.
Ngay đối với bản thân tôi hiện nay, đây cũng là một kỹ năng mà tôi cảm thấy mình phải luyện tập hàng ngày. Là một người làm khoa học, tôi không ngại tự mày mò tìm kiếm thông tin, nhưng tôi vẫn còn thói quen ngại nhờ người khác giúp đỡ, ngại hỏi ý kiến những người đi trước. Điều này khiến cho tôi gặp rất nhiều thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần khi mới bắt đầu sống ở nước ngoài. Mấy năm gần đây, cùng với cuộc sống có những thay đổi lớn liên quan đến các vấn đề tôi không thông thạo như chính sách nhập cư, thuế má, y tế, sinh đẻ… tôi buộc phải nhờ đến sự trợ giúp của mọi người xung quanh nhiều hơn. Và phải thú nhận rằng, mỗi lần học thêm được một điều mới, tôi lại không khỏi nhăn nhó tự trách bản thân tại sao không biết điều này, làm điều kia cho sớm hơn. Nhưng nhìn lại, nếu không sống ở nước ngoài, có lẽ tôi sẽ mãi ở trong vỏ bọc của mình và sẽ còn thiếu hiểu biết hơn nhiều so với tôi của ngày hôm nay.
Biết ơn những gì mình từng có và đang có
Cuộc sống xa gia đình thường gặp không ít khó khăn, tủi cực mà không biết nên chia sẻ cùng ai. Chính vì thế, cuộc đời “tha hương” cũng dạy cho ta lòng biết ơn, sự trân trọng những gì mình từng có và đang có. Phải những ai đã từng trải qua những ngày đau ốm không có người thân bên cạnh, mệt đến bò lê ra sàn nhà vẫn phải gượng đứng lên nấu nồi cháo loãng thì mới thấm thía bát cơm nóng, miếng thịt kho mẹ nấu cho mình quý giá đến thế nào. Phải những ai nỗ lực vượt qua những định kiến, kỳ thị, kèn cựa của xã hội ngoại lai để có được một cơ hội, dù chỉ là nhỏ nhoi cho riêng mình mới hiểu hết giá trị của đồng tiền, may mắn, và tất cả những gì mình đang sở hữu.
Rất nhiều người sống ở nước ngoài mà tôi biết từng tâm sự rằng họ trở nên gần gũi, cảm thông hơn với gia đình khi ra nước ngoài sinh sống. Mặc dù không có điều kiện liên hệ về nhà, trò chuyện thường xuyên với bố mẹ như khi còn trong nước nhưng trong thâm tâm, họ biết mình đã trở thành người con ngoan hơn nhờ sống xa rời gia đình. Bản thân tôi cũng vậy, nhiều khi ở vào hoàn cảnh không được như mong muốn, cuộc sống ngột ngạt, mệt mỏi, tưởng muốn buông xuôi, nhưng mỗi lần nghĩ đến con đường mình đã qua và những gì gia đình đã hy sinh cho mình để có được ngày hôm nay, tôi lại cảm thấy bình tâm trở lại và quý trọng hơn những gì mình đang có.
Có lẽ ít trải nghiệm nào khiến con người ta trưởng thành nhanh như khi sống một mình ở nơi đất khách. Rất nhiều người vì điều kiện học tập, công việc và hoàn cảnh mà phải rời quê hương ra nơi khác lập nghiệp. Tuy nhiên, nếu còn ở trong cùng một đất nước, ta sẽ không gặp quá nhiều khó khăn khi giao tiếp với người mới, tìm hiểu văn hóa nơi ở mới, và thậm chí, vẫn có thể nhận được sự trợ giúp về vật chất và tinh thần dồi dào từ gia đình. Nhưng khi sống ở nước ngoài, ta chợt nhận ra rằng mình chỉ có thể dựa vào chính mình; ngay cả khi may mắn được sống cùng người quen hay trong cộng động kiểu bào đi chăng nữa, sẽ có những quyết định trong cuộc sống ta phải tự đưa ra và những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc ta phải tự vượt qua một mình. Một khi đã nhận ra rằng mọi hành động mình làm ra đều đi liền với hệ quả của nó và không ai có thể theo sau nâng đỡ, chỉ bảo cho mình được, ta buộc phải trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn. Trong quá trình đó, ta cũng dần trở nên độc lập hơn trong suy nghĩ, hành động, và định hướng cho tương lai cho mình.
Chính vì lợi ích này của việc sống ở nước ngoài mà những học sinh, sinh viên ở các nước phát triển vẫn tích cực tham gia các chương trình trao đổi, du học ngắn hạn, gap year ở nước ngoài; chứ không chỉ riêng gì sinh viên Việt Nam sang các nước phát triển để trải nghiệm. Tôi có nhiều người bạn Mỹ từng sang Việt Nam du học và qua rất nhiều năm, các bạn vẫn không ngừng kể lại những câu chuyện trong quá trình du học đã làm mình thay đổi như thế nào. Như Vicky, một cô bạn người Mỹ từng co rúm lại khi sang đường, không dám ăn đồ ăn ngoài phố, uống nước đá… kể cho tôi rằng cuộc sống có phần hỗn loạn, tùy tiện ở Việt Nam khiến cho bạn sau này trở nên mạnh mẽ hơn, dám nghĩ dám làm hơn để trải nghiệm cuộc sống. Hay như Tam, một cậu bạn người Mỹ gốc Việt từng chia sẻ với tôi rằng mặc dù khi còn ở Mỹ, bạn đã dọn ra ở riêng, nhưng phải đến khi sang Việt Nam và tiếp xúc với nhiều bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, từ quê lên thành phố vừa học vừa làm, Tam mới thấy mình còn có thể sống độc lập và có trách nhiệm hơn nữa với cuộc sống riêng của mình. Bởi vậy, việc sống ở nước ngoài, dù là địa điểm nào đi chăng nữa, cùng cho con người một cơ hội mới để thay đổi bản thân, trưởng thành, và sống độc lập hơn.